Sự hấp dẫn của thánh Mỹ Sơn

PDF.InEmail

thanh dia my sonSự hấp dẫn của thánh Mỹ Sơn
Theo thời gian, Mỹ Sơn được các nhà chuyên môn tìm hiểu, ghi nhận các giá trị độc đáo và tiến hành trùng tu, tôn tạo. Không những vậy, tự thân khu di tích Chăm này cũng “phát lộ” nhiều nét hấp dẫn mà không phải di sản nào cũng có được…
Sau khi ông Camille Paris (1856-1908) làm ở sở dây thép (bưu điện) theo cư dân địa phương phát hiện khu đền tháp Mỹ Sơn vào năm 1895, thì đến những năm đầu thế kỷ XX đã có nhiều học giả, nhà chuyên môn người Pháp đến nghiên cứu khu kiến trúc này. Giờ thì Mỹ Sơn đã được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới (năm 1999) và ngày càng hấp dẫn về các giá trị khảo cổ, kiến trúc, cảnh quan…
Trước 1975
Những ghi chép của người Pháp cho biết vào ngày 26.3.1902, ông Louis Finot - Giám  đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) cùng các nhà chuyên môn của cơ quan như  É.Lunet de Lajonquière, Charles Carpeaux, Henry Parmentier đã đến nghiên cứu các di tích kiến trúc của người Chăm cổ tại Quảng Nam. Trong đó, khu đền tháp Mỹ Sơn được nhà khảo cổ kiêm kiến trúc sư H.Parmentier dành nhiều thời gian để nghiên cứu. Song song với việc nghiên cứu các bi ký, văn khắc cổ tại Mỹ Sơn, H.Parmentier đã tiến hành nhiều cuộc khai quật, đo vẽ, thống kê các kiến trúc, tác phẩm điêu khắc. Ông phân loại nhóm các kiến trúc đền tháp và đặt tên lại các nhóm theo mẫu tự La tinh  (trước đó theo người địa phương đặt tên là tháp Chợ gồm nhóm B, C, D; tháp Chùa gồm nhóm A; tháp Hố Khế gồm nhóm E, F). Công việc tu bổ kiến trúc nhóm tháp A1 (1937-1944) cũng được tiến hành.
thanh dia my sonSự hợp tác với nhà nghệ thuật học Ph.Stern qua các kiến trúc hiện tồn cùng bản vẽ phân loại về cột các kiểu thức kiến trúc như trụ áp, hoa văn… của H.Parmentier đã cho ta biết thêm về các phong cách nghệ thuật và những dự đoán  niên đại của từng nhóm tháp được xây dựng. Những tác phẩm điêu khắc ở đây cùng ở các sưu tập từ những khu kiến trúc Chăm ở miền Trung  được trưng bày tại bảo tàng  mang tên ông - Bảo tàng Henry Parmentier, nay là Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm tại TP.Đà Nẵng. Đồng thời, nhiều tư liệu, ấn phẩm về kiến trúc, điêu khắc, văn khắc cổ cũng như bản vẽ, bản dập, ảnh chụp đã được lưu trữ và xuất bản vào nửa đầu  thế kỷ thứ XX. Các kết quả này đã giúp cho những nhà nghiên cứu sau có điều kiện phát triển và bổ sung, đóng góp nhiều về di tích khu đền tháp cổ Mỹ Sơn. Vì thế, nơi có nhiều kiến trúc gạch được xây dựng qua nhiều niên đại, nhiều phong cách từ sớm đến muộn như Mỹ Sơn lại càng hấp dẫn  nhiều  nhà nghiên cứu khác…
Sau 1975
Chiến tranh đã tàn phá nặng nề khu di tích kiến trúc Mỹ Sơn. Sau năm  1975, một lần nữa Mỹ Sơn được hồi sinh từ những người bạn Ba Lan khi họ tham gia chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa Việt Nam và Bộ Văn hóa - Nghệ thuật Ba Lan về phục hồi các di tích Chăm ở miền Trung, giai đoạn 1980-1990, mà đứng đầu là kiến trúc sư Kazimier Kiwatskowski (Kazik).
Sự cấp thiết cứu vãn các kiến trúc gạch - đá dẫu được thực hiện trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn  nhưng đã phần nào định hình cơ bản lại các kiến trúc như ban đầu. Và công việc này cũng đã hấp dẫn nhiều nguồn tài trợ khác, như Quỹ Những người yêu tháp Chàm CHLB Đức (1990-1993), Quỹ Toyota Foundation (dọn dẹp, phát quang và đo vẽ trong lòng tháp), Quỹ Lerici Foundation (1999-2000, của Chính phủ Italia thiết lập chương trình thông tin địa lý GIS), Quỹ American Express giúp khai quật  và khai thông dòng Khe Thẻ (2002-2006), dự án bảo tồn nhóm tháp G (từ năm 2007 đến nay). Ngoài ra, Quỹ JICA Nhật Bản giúp xây dựng bên ngoài Khe Thẻ nhà trưng bày và giới thiệu về tổng quan khu đền tháp Mỹ Sơn. Nguồn kinh phí của địa phương và trung ương với sự tham gia của các nhà chuyên môn trong nước cũng đã tiến hành khai quật nhóm tháp F, khai quật và tu bổ tháp E7.
Hấp dẫn Mỹ Sơn
Với những kết quả mà các nhà nghiên cứ đã phát lộ cho thấy Mỹ Sơn là phế tích có nhiều kiến trúc đang bị vùi lấp. Từ những năm đầu thế kỷ XX, khu di tích này đã được khởi sự nghiên cứu, nhưng các nhà chuyên môn trong và ngoài nước nhận thấy vẫn có nhiều điều cần phải tiếp tục tìm hiểu, nhất là về kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc gắn bó với kiến trúc.
Quá trình khai quật đã phát hiện những kiến trúc có niên đại sớm vùi lấp ở mặt phía đông của tháp D1, D2 (các nhà chuyên môn nhận định thuộc thế kỷ VII, cùng niên đại với nhóm E). Việc phát hiện chữ Hán ở phần chôn vào tường của vài tai gốm trang trí tường tháp G1, hay vật liệu trang trí là những tác phẩm điêu khắc của nhóm G mà những người  khai quật hồi thế kỷ trước đã không tìm thấy cũng khiến các chuyên gia thích thú. Nhóm các nhà chuyên môn của Việt Nam khai quật tường bao phía đông bắc tháp E7 hồi tháng 10.2012 đã phát hiện các đầu ngói (đất nung) có hình mặt thần Thời gian (Kala). Càng hấp dẫn hơn khi chỉ một tháng sau, lại phát hiện phía đông bắc của tháp E8, E9 gần đó một Mukhalinga (vật thờ Linga có trang trí mặt thần).
Việc phát hiện những hiện vật liên quan đến kiến trúc như ngói có mặt biểu tượng thần Thời gian sẽ làm thay đổi nhận định về niên đại khi so sánh những mảnh ngói ở di tích thành cổ Trà Kiệu. Hoặc vật thờ như Mukhalinga tại Mỹ Sơn lần đầu phát hiện đã giúp du khách có thể chiêm ngưỡng thêm một cổ vật hiếm quý và cung cấp cho nhà chuyên môn những suy nghĩ mới về khu đền thờ này.
Nhưng Mỹ Sơn cũng đang cho thấy sức hấp dẫn về cảnh quan. Trở lại những ghi chép của H.Parmentier lần đầu tiên vào Mỹ Sơn, khi đối diện cảnh đẹp hoang sơ này ông phải xuống kiệu đi bộ và để… nhìn ngắm những con đường có nhiều bóng cây dẫn vào thung lũng. Còn Charles Capeaux thì bất ngờ và sửng sốt với những ngôi đền trong rừng cây. Sức hấp dẫn của Mỹ Sơn giờ được tìm thấy với các du khách, với cảm xúc mới. Một ngày đầu năm 2013, chúng tôi tình cờ gặp lại người bạn hướng dẫn viên của Saigon Tourist hành nghề 20 năm, anh quả quyết: “Càng ngày Mỹ Sơn càng đẹp!”.

Nguồn: www.quangnam.gov.vn

Hỗ trợ trực tuyến

Quản lý

Mr Chiến: 0905 911 188
Email: chien@culaoxanh.vn

Điều hành

Ms Hạ: 0982 88 11 68
Email: info@culaoxanh.vn

Kinh doanh

Ms  Thúy: 0983.431 751
Email: thuy@culaoxanh.vn

Đối tác - Liên Kết

thiết kế web da nang

da nang

Thống kê truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter

We have: 11 guests online